Khám phá bức bích họa ‘Trường Athena’ của Raphael

Raphael Sanzio đã được mệnh danh là bậc thầy hội họa của thời đại Phục Hưng Italia. Năm 1509, Raphael được Giáo hoàng ủy nhiệm trang trí Điện Tông Tòa ở Vatican và đã ở lại Rome suốt quãng đời còn lại của mình để hoàn thiện bộ tứ bức họa.

Bộ tứ của ông cùng với bức vẽ trên trần nhà nguyện Sistine của danh họa Michelangelo là một trong những đại kiệt tác của nghệ thuật Phục Hưng đỉnh cao.

Bức bích họa trường học Athena( 1509-1511)

Bộ tứ bích họa trong Điện Tông Tòa của Raphael gồm 4 bức tranh trên tường với 4 chủ đề khác nhau: Disputation of the Holy Sacrament (Cuộc Tranh Luận Về Bí Tích Thánh Thể) về thần học, The Parnassus (Đỉnh Parnassus) về văn chương, The Schools Of Athens (Trường Athena) về triết học và The Cardinal Virtues (Tam Đức) về luật học.

Với bức Trường Athena, Raphael đã tái hiện lại những đức tin và trường phái triết học khác nhau trong lịch sử, thông qua những nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Hãy cùng điểm qua một số nhà triết học xuất hiện trong kiệt tác lừng lẫy này:

Plato và Aristotle

Plato và Aristotle – hai ông tổ của hai trường phái triết học khác nhau – là nhân vật trung tâm của Trường Athena.

Gương mặt của Plato được cho là giống danh họa Leonardo da Vinci.

Plato đứng ở bên trái, giơ ngón tay chỉ lên trời, ngụ ý Thuyết Hình học và triết học duy tâm. Bên cạnh Plato là cậu học trò Aristotle với bàn tay để sấp và hướng về phía trước, hàm ý tri thức phải xuất phát từ trải nghiệm và bằng chứng cụ thể. Plato cầm Timaeus, một cuốn sách nghiên cứu về thế giới vật chất và con người. Còn trên tay Aristotle là cuốn sách nổi tiếng về đạo đức Nicomachean Ethics.

Plato và Aristotle đứng ở dưới mái vòm, giữa trung tâm bức tranh, tay trái mỗi người là một cuốn sách thể hiện hai trường phái triết học khác nhau. Đây cũng là chủ đề chính của bức Trường Athena.

Socrates

Ở bên trái Plato là Socrates với bộ râu đặc trưng. Đứng xung quanh Socrates là học trò của ông, gồm vị tướng Alcibiades và chính khách Aeschines. Có ý kiến cho rằng hai nhân vật này thực chất là Alexander Đại Đế và nhà sử học người Hy Lạp Xenophone.

Pythagoras

Người đàn ông với cuốn sách và cây bút trên tay là Pythagoras.

Pythagoras không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực toán học và khoa học, ông còn được cho là một trong số những triết gia theo thuyết luân hồi (linh hồn là bất tử và sẽ chuyển vào một cơ thể mới sau khi chết). Trong Trường Athena, Pythagoras ở bên nhóm của Plato.

Euclid

Euclid cúi người, dùng compa vẽ lên bảng đen, giảng bài cho học trò.

Đối diện Pythagoras, ở bên nhóm của Aristotle, là Euclid. Euclid là nhà toán học người Hy Lạp, đồng thời là cha đẻ của hình học. Cũng như Aristotle, Euclid cho rằng các định lý phải đi kèm với những câu trả lời chính xác. Đó là lý do vì sao Raphael vẽ Euclid chung nhóm với Aristotle.

Ptolemy

Ptolemy khoác chiếc áo vàng và cầm quả địa cầu, quay lưng lại với người xem.

Bên cạnh Euclid là nhà toán học và nhà thiên văn học Ptolemy. Còn người đứng đối diện Ptolemy, cầm thiên cầu trên tay, là nhà thiên văn học Zoroaster. Thú vị hơn cả là chàng trai trẻ đứng bên Zoroaster, không ai khác chính là Raphael.

Họa sĩ Raphael.

Vào thời điểm đó, tự vẽ chân dung chính mình không hề mới lạ. Tuy nhiên, xét về nội dung của Trường Athena, sự xuất hiện của Raphael trong bức họa như thể ông cũng đang hòa mình vào thế giới của các học giả và biển cả tri thức.

Diogenes

Người đàn ông già nằm sõng soài trên bậc thang là Diogenes, hay còn gọi là Diogenes người hoài nghi hoặc Diogenes thành Sinope. Khi còn sống, Diogenes là một nhân vật gây tranh cãi. Ông sáng lập và truyền bá triết lý hoài nghi, bêu riếu văn hóa tiền tệ, và thể hiện lối sống đức hạnh bằng cách đi ăn xin.

Heraclitus

Gương mặt của Heraclitus được xem là giống họa sĩ Michelangelo.

Một trong những nhân vật thu hút là người đàn ông ủ rũ, tư thế ngồi hơi giống bức tượng The Thinker (Người Suy Tư) là nhà triết học duy vật Heraclitus. Tuy xuất thân quý tộc, Heraclitus chấp nhận sống một đời nghèo khổ và không thích tham gia vào đám đông. Trong bức tranh này, Raphael cũng vẽ Heraclitus xa cách với những nhân vật khác.

Hai bức tượng

Một điểm nhấn khác là hai bức tượng lớn trên tường. Bên Plato là tượng Apollo, bên Aristotle là tượng Minerva. Apollo, với cây đàn lia trên tay, là vị thần của ánh sáng, âm nhạc, thi ca, văn học và chân lý. Còn Minerva là nữ thần của trí tuệ và công lý.

Bức bích họa Trường Athena của Raphael nhận được nhiều lời khen ngợi từ Giáo hoàng và giúp ông trở thành nghệ sĩ bán được nhiều tranh nhất thành Rome.

Năm 1520, Raphael qua đời khi mới 37 tuổi. Dù chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi, Raphael vẫn là cái tên có sức ảnh hưởng trong thời đại Phục Hưng và để lại cho hậu thế nhiều di sản tuyệt tác.